Du lịch tự túc luôn là một trải nghiệm không thể bỏ qua dành cho những con người yêu tự do. Bạn có thể tự quyết định mọi việc mà không cần tham khảo ý kiến ​​của người khác, không cần phải chịu áp lực hoặc ràng buộc từ bất cứ ai. 

Khi đi du lịch tự túc, nếu bạn muốn nhắm đến những trải nghiệm lạ thường ở những địa điểm ít người biết đến thay vì phải chen chúc ở những chỗ đông người, thì Campuchia chính là một trong những điểm đến hàng đầu. Tại đây, bạn sẽ tìm thấy những ngôi đền thanh bình, những bãi biển thư giãn và những khu chợ sôi động, cùng với cơ hội gặp gỡ người dân địa phương thân thiện.

Nên đi Campuchia vào thời điểm nào?

mưa

Campuchia có khí hậu nhiệt đới, chủ yếu là nóng và ẩm, với nhiệt độ trung bình hàng ngày đạt mức 27°C. 

Tháng 6 đến tháng 10 là mùa mưa ở Campuchia, với những cơn mưa rào ngắn, dữ dội, gió mạnh và nhiệt độ lên tới 35°C, ảnh hưởng đến đường sá và các khu đền chùa, vì thế có rất ít khách du lịch vào khoảng thời gian này.

Mùa cao điểm của Campuchia là mùa khô, kéo dài từ tháng 11 đến tháng 5. Đặc biệt, từ tháng 11 đến tháng 2 có thời tiết mát mẻ và bầu trời trong xanh.

Bạn có thể cân nhắc theo sở thích và thời gian rảnh của bản thân để lựa chọn thời điểm du lịch cho phù hợp.

Cần chuẩn bị những gì khi đi Campuchia?

đi

Giấy tờ cần thiết

Việt Nam là một trong những quốc gia được nhà nước Campuchia cho phép miễn thị thực, nên thông thường bạn chỉ cần mang hộ chiếu thôi là đủ. Tuy nhiên, bạn phải đáp ứng các yêu cầu sau để được miễn thị thực: 

  • Bạn là công dân Việt Nam và dự định sang Campuchia tạm trú trong vòng 30 ngày. 
  • Hộ chiếu phổ thông còn thời hạn ít nhận 6 tháng.

Nếu không đáp ứng đủ các yêu cầu trên, bạn phải xin thị thực để có thể bước qua biên giới Campuchia. 

Thẻ SIM

WiFi thường có sẵn ở phần lớn các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê ở các khu du lịch trọng điểm (Siem Reap, Phnom Penh và Sihanoukville). Ở những vùng nông thôn thì bạn sẽ khó tìm thấy wifi hơn. Để đảm bảo điện thoại kết nối Internet, bạn có thể mua SIM của nhà mạng Metfone, Smart, Cellcard,… và đăng ký gói dữ liệu.

Quần áo và giày thích hợp

Thời tiết ở Campuchia thường nóng và ẩm, nên bạn hãy mang theo quần áo mỏng và thoải mái. Đừng quên mặc quần áo dài tay khi tham quan các ngôi chùa vì đó là điều bắt buộc. Đôi giày thoải mái dành cho việc đi bộ cũng rất quan trọng nếu bạn đi tham quan nhiều.

Phương tiện thanh toán

cards

Bạn nên mang theo một lượng tiền mặt vừa phải, cùng với Đô La thẻ thanh toán quốc tế, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ. Bạn nên đổi trước một ít tiền mặt sang Riel hoặc Đô La Mỹ.

Riel (KHR) là tiền tệ chính thức của Campuchia. Ngoài ra, đồng Đô La Mỹ cũng được sử dụng rộng rãi trên khắp đất nước.

Riels thường được sử dụng cho các giao dịch nhỏ, ví dụ như thuốc lá, trái cây hoặc đồ uống mua ở chợ, trong khi Đô La dùng để thanh toán cho các giao dịch lớn hơn trong các nhà hàng, khách sạn và siêu thị. Việc thanh toán bằng Đô La Mỹ và nhận tiền thối bằng Riel là chuyện thông thường.

Do hai đồng tiền này được người Campuchia sử dụng song song, nên các dịch vụ đổi tiền ở đất nước này rất phổ biến và đa dạng. Nếu bạn muốn đổi tiền, bạn có thể đến các đại lý của Liberty Currency Exchange tại các địa điểm quan trọng trên khắp Campuchia. Tại đây có đổi các cặp tiền USD ⇔ VND, KHR ⇔ USD và nhiều loại tiền tệ khác. Với thủ tục nhanh chóng, bảo mật và tỷ giá tốt nhất Campuchia, Liberty Currency Exchange sẽ giúp cho trải nghiệm du lịch của bạn thêm hoàn hảo!

Người Campuchia rất khắc khe khi nhận thanh toán bằng Đô La. Họ không chấp nhận những tờ Đô La bị rách hay bẩn dù chỉ một chút, nên hãy đảm bảo tiền Đô của bạn còn nguyên vẹn và khá mới. Nếu không may tiền Đô của bạn bị rách, bạn có thể giữ chúng cho tới khi về nước hoặc tìm cách đổi sang tiền Đô nguyên vẹn.

Số tiền bạn cần mang theo khi đi du lịch Campuchia phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm thời gian bạn dự định ở lại, các loại hình dịch vụ bạn muốn trải nghiệm, và mức chi tiêu cá nhân của bạn. Bạn không cần phải bận tâm quá nhiều về vấn đề tiền bạc, bởi vì Campuchia có chi phí sinh hoạt thấp, không quá chênh lệch so với Việt Nam, nên bạn có thể ăn uống thoải mái và mang về nhiều quà lưu niệm.

Một số điểm đến hấp dẫn ở Campuchia 

angkor

Angkor Wat – Kiệt tác kiến trúc Campuchia

Angkor Wat là một di tích lịch sử quan trọng của Campuchia, đồng thời là điểm đến không thể bỏ qua dành cho du khách yêu thích lịch sử, kiến trúc và văn hóa. Angkor Wat nằm tại tỉnh Siem Reap, cách thị trấn Siem Reap khoảng 6 km về phía bắc, được coi là một kiệt tác kiến trúc với kiểu dáng đặc biệt, gồm một tòa tháp chính cao và một hệ thống khuôn viên và hào nước xung quanh. Nơi đây có các bức tranh tường và tượng được điêu khắc vô cùng tinh xảo. Bạn cũng có thể leo lên các tòa tháp để ngắm toàn cảnh Angkor Wat từ trên cao.

Siem Reap

Siem Reap là một tỉnh nằm ở phía Tây Bắc của Campuchia và cũng là tên của thị trấn lớn nhất trong tỉnh này. Ngoài việc nổi tiếng với vai trò là cổng vào khu vực di sản Angkor, Siem Reap còn có các chợ cổ là nơi bạn có thể mua sắm các sản phẩm thủ công, quần áo, trang sức, và các món ăn đường phố. Khu vực Pub Street ở Siem Reap là trung tâm của cuộc sống về đêm với nhiều nhà hàng, quán bar, cửa hàng quà lưu niệm mở cửa suốt đêm dài. 

Phnom Penh – Trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế

Phnom Penh là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Campuchia. Dưới đây là một số điểm đáng chú ý tại Phnom Penh:

  • Hoàng Cung và Chùa Bạc: Hoàng cung là nơi ở của quốc vương Campuchia, còn Chùa Bạc nằm trong sân của Hoàng cung. Đây là những địa điểm lịch sử và tôn giáo quan trọng được trang trí rất đẹp.
  • Khu chợ Central Market: Đây là một trong những chợ lớn nhất ở Phnom Penh, nơi bạn có thể mua sắm đủ loại hàng hóa từ quần áo, trang sức, đồ điện tử đến thực phẩm và quà lưu niệm.
  • Bảo tàng Quốc gia Campuchia: Bảo tàng này trưng bày nhiều tượng điêu khắc, di tích lịch sử, và tư liệu về văn hóa Campuchia.
  • Sông Tonle Sap và sông Mekong: Phnom Penh nằm cận bờ sông Tonle Sap và sông Mekong, vì vậy bạn có thể tham gia các chuyến tham quan trên sông để khám phá cuộc sống ven sông và ngắm thành phố từ một góc độ khác.
  • Wat Phnom: Đây là ngôi chùa cổ đại nằm ở trung tâm của Phnom Penh, được coi là nguồn gốc của tên gọi của thành phố (“Phnom” có nghĩa là núi).

Sihanoukville – Thành phố biển thơ mộng

Sihanoukville là một thành phố cảng ven biển nằm ở phía nam Campuchia, nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp như Serendipity, Ochheuteal, và Otres. Bạn có thể thư giãn trên bãi cát trắng, tắm biển, tham gia các hoạt động thể thao dưới nước, và thưởng thức đặc sản biển tươi ngon. Sihanoukville cũng là điểm xuất phát để thăm các đảo lân cận như Đảo Koh Rong và Đảo Koh Rong Samloem. Các đảo này nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.

Phương tiện di chuyển 

Di chuyển từ Việt Nam đến Campuchia

Đường hàng không

Bay từ Việt Nam sang Campuchia là cách di chuyển nhanh nhất và thuận tiện nhất. Mất khoảng 2 tiếng để bay từ Hà Nội đến Siem Reap hoặc Phnom Penh, còn khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh thì mất ít thời gian hơn, chỉ trên dưới 1 tiếng.

Giá vé máy bay hạng phổ thông vào mùa thấp điểm rơi vào khoảng 100 USD. Giá có thể tăng gấp đôi vào mùa cao điểm.

Đường bộ

Lựa chọn kinh tế nhất là di chuyển bằng xe buýt qua cửa khẩu. Việt Nam có chung bảy cửa khẩu biên giới với Campuchia, trong đó cửa khẩu Mộc Bài ở tỉnh Tây Ninh là được nhiều người lựa chọn nhất.

Nếu đi xe buýt từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Phnom Penh, bạn cần ít nhất 6 tiếng rưỡi. Từ Hồ Chí Minh đến Mộc Bài mất 2 tiếng, và sau đó mất 4 tiếng rưỡi để tới Phnom Penh bao gồm cả thủ tục đi qua cửa khẩu.

Bạn cũng có thể lựa chọn đi xe dịch vụ riêng để. Cách này thoải mái và thuận tiện hơn, và vì thế mà giá đắt hơn đi xe buýt một chút.

Di chuyển trong nội địa Campuchia 

tuk

Các phương tiện công cộng phổ biến ở các thành phố Campuchia là xe tuk tuk, xích lô và taxi. Những loại phương tiện này giúp bạn dễ dàng di chuyển giữa các địa điểm trong thành phố. Bạn nên hỏi rõ về giá cả và thương lượng trước khi bước lên những chiếc xe này để không bị “hét giá lên trời”.

Với những đoạn đường xa hơn, bạn có thể đi bằng xe buýt hoặc phà. Xe buýt có giá vé cố định và rất rẻ, trong khi phà thì mắc hơn nhiều, nhưng đổi lại bạn có thể ngắm cảnh trên sông. Du khách có thể đi phà để di chuyển giữa các thành phố lớn hoặc tham quan những hòn đảo xinh đẹp như đảo Koh Rong Samloem, đảo Song Saa, đảo Koh Thmei…

Một lựa chọn thú vị khác là thuê xe máy nếu bạn tự tin với khả năng tham gia giao thông của mình. Bạn có thể sử dụng xe máy từ 125 cc trở xuống ở Campuchia mà không cần giấy phép lái xe, nhưng đối với xe máy trên 125 cc thì ngược lại. Chuyện này khá phức tạp, vì bạn là người nước ngoài nên phải chuyển đổi giấy phép lái xe Việt Nam thành giấy phép lái xe có thể sử dụng tại Campuchia.

Những lễ hội nổi tiếng ở Campuchia

Lễ hội Chaul Chnam Thmey

Lễ hội Chaul Chnam Thmey là lễ hội mừng năm mới của người Campuchia. Đây là sự kiện xã hội và tinh thần quan trọng nhất trong năm. Bạn có biết vì sao lễ hội mừng năm mới lại được tổ chức vào tháng 4 không? Đó là vì đối với người Campuchia, tháng 4 là điểm giao thời giữa mùa nắng và mùa mưa. Tại thời điểm này, cây cỏ hoa lá như khoác lên màu áo mới, tươi tốt và tràn đầy nhựa sống. Điều này được người Campuchia xem là tượng trưng cho sự khởi đầu năm mới. 

Lễ hội Chaul Chnam Thmey kéo dài ba ngày. Trong ngày đầu tiên, người dân tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, đội cỗ lên chùa để tham gia lễ rước Đại lịch. Lễ rước Đại lịch có ý nghĩa tiễn đưa những điều xui xẻo của năm cũ và hy vọng vào một năm mới đầy may mắn.

Ngày thứ hai diễn ra lễ dâng cơm và đắp núi cát. Buổi sáng, người dân mang cơm đến những ngôi chùa địa phương để dâng cho các nhà sư. Buổi chiều, người dân đắp các núi cát trong sân của ngôi chùa và trang trí những núi cát này bằng nhiều loại hoa và những lá cờ với đủ màu sắc. Họ tin rằng mỗi hạt cát này sẽ giúp một linh hồn có tội được siêu thoát.

Vào ngày thứ ba của lễ hội Chôl Chnăm Thmây, người Campuchia cử hành lễ tắm tượng Phật và lễ cầu siêu. Lễ tắm tượng Phật thường diễn ra vào buổi chiều. Các vị Acha (những người được xem là đầu tàu về đời sống văn hóa và đạo đức trong các phum sóc) đặt tượng Phật vào thau nước lớn có ướp nước hoa. Trong lúc các vị Acha đọc kinh, các nhà sư dùng nhúng cành hoa vào nước thơm và tắm cho tượng Phật.

Sau khi làm lễ tắm tượng Phật ở chùa, người dân trở về để làm lễ tắm tượng Phật ở nhà. Nghi lễ tắm tượng Phật có ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Phật, gột rửa đi những điều xui xẻo của năm cũ và đón những điều may mắn trong năm mới. Sau khi kết thúc lễ tắm tượng Phật, mọi người cùng các vị Acha tập trung xung quanh tháp đựng tro cốt để cầu siêu cho linh hồn các nhà sư và những người thân đã qua đời được siêu thoát.

Lễ hội Bon Om Touk 

Tháng 11 là một tháng quan trọng ở Campuchia, đánh dấu sự kết thúc của mùa gió, khi những cơn mưa lớn nhường chỗ cho mùa khô sắp tới. Nhiệt độ trở nên mát mẻ hơn, mực nước dâng cao và mở ra mùa đánh bắt cá. 

Theo Phật lịch, vào ngày rằm tháng Kadeuk (tháng 11 dương lịch), vầng trăng tròn được gọi là Trăng thu hoạch, được người dân Campuchia xem là biểu tượng của một vụ lúa bội thu. Vì thế, họ tổ chức lễ hội Bon Om Touk để chào đón ánh sáng rực rỡ của vầng trăng này. Lễ hội này còn đánh dấu sự đảo ngược dòng chảy của Biển Hồ (Tonle Sap). Đây là hồ nước ngọt lớn nhất ở Đông Nam á, và cũng là hồ nước ngọt duy nhất trên thế giới có sự đảo ngược dòng chảy độc đáo này.

Bon Om Touk kéo dài suốt ba ngày. Đông đảo người dân từ khắp nơi trên đất nước hội tụ về Biển Hồ để tham gia các hoạt động ăn mừng lễ hội. Bờ Biển Hồ đông đúc đến nỗi những người không tìm được phòng khách sạn thường cắm trại dọc các con phố.

Hội đua thuyền là tâm điểm chính của Bon Om Touk. Màn trình diễn đua thuyền vô cùng rực rỡ và bắt mắt do màu sắc sặc sỡ của những chiếc áo đồng phục và của những họa tiết trang trí trên thuyền. Những chiếc thuyền lớn nhất dài đến tận hơn 30 mét, có tới 80 tay chèo. Nhiều thuyền còn có thêm một phụ nữ ăn mặc rất đẹp ngồi ở mũi tàu nhảy múa theo nhịp trống. 

Bờ hồ chật cứng với những quầy đồ ăn thức uống, các ban nhạc pop giải trí cho đám đông cùng những người cổ vũ hội đua thuyền. Vào buổi tối, lễ hội tiếp tục với các trò chơi, biểu diễn âm nhạc truyền thống, bắn pháo hoa,… Bầu không khí nhộn nhịp bao trùm suốt thời gian diễn ra lễ hội. 

Ngoài đua thuyền còn có một số hoạt động diễn ra trong lễ hội Bon Om Touk để cảm ơn đất và nước đã mang đến sự sống, ví dụ như Bandaet Pratip và Sampeah Preah Khae.

Bandaet Pratip bắt đầu lúc 7 giờ tối, là ​​cuộc diễu hành của những chiếc thuyền được thắp sáng trôi trên Biển Hồ. Theo truyền thống, người Campuchia thả chúng trên mặt nước gần nhà vì tin rằng những chiếc thuyền này sẽ cuốn đi những năng lượng xấu. Sampeah Preah Khae diễn ra vào ngày cuối cùng của lễ hội, còn được gọi là lễ chào trăng. Người dân Campuchia sẽ bày biện các đồ ăn, thức uống và thắp hương trước nhà vào ban đêm trước khi tập trung tại các chùa vào lúc nửa đêm để ăn món Ak Ambok (món cơm được cán dẹp, rang lên, ăn với dừa và chuối).

Lễ hội Pchum Ben

Lễ hội Pchum Ben kéo dài 15 ngày, từ tháng 9 đến tháng 10, để tưởng nhớ những thành viên trong gia đình đã khuất. Đây được cho là thời điểm mà linh hồn của tổ tiên 7 đời có thể quay trở lại nhân gian để thăm con cháu. Lễ hội này thu hút đông đảo tín đồ Phật giáo tham gia, đặc biệt trong mùa lễ hội, các ngôi chùa luôn nhộn nhịp người đến để cúng bái.

Người dân Campuchia tin rằng linh hồn con người sau khi chết sẽ vào địa ngục để chịu trừng phạt do những nghiệp ác gây ra khi còn sống. Chỉ vào ngày lễ Pchum Ben, linh hồn của họ mới có thể trở về nhân gian thăm người thân và hưởng thụ những lễ vật mà người thân dâng cúng.

Khi cổng địa ngục mở ra để linh hồn người chết đến với trần gian, các nhà sư phải tụng kinh bằng tiếng Pali cả đêm liên tục không ngủ. Hành trình của những linh hồn này sẽ được quyết định bởi nghiệp do họ tạo ra và bởi những lễ vật do những người thân còn sống của họ thực hiện trong lễ Pchum Ben. Một số linh hồn được giải thoát khỏi địa ngục, trong khi những linh hồn khác phải quay về địa ngục để tiếp tục chịu trừng phạt.

14 ngày đầu tiên của lễ hội được gọi là Kan Ben. Trong 14 ngày này, người dân, các cư sĩ và tu sĩ Phật giáo cúng dường thực phẩm để tạo ra công đức gián tiếp cho người chết. Tuy nhiên, ở nhiều ngôi chùa, việc này có thể được thay thế bằng cách ném cơm lên không trung hay ném gạo xuống ruộng trống để chuyển “trực tiếp” thực phẩm cho người chết. 

Ngoài ra, người dân cũng dâng cúng các đồ dùng cần thiết cho các vị tu sĩ và làm từ thiện cho người nghèo. Việc này vừa thể hiện biết ơn đối với tu sĩ, vừa mong đóng góp công đức cho linh hồn của tổ tiên sớm được siêu thoát.  

Ngày 15 hay còn gọi là ngày Ben Thom, là ngày quan trọng nhất của lễ hội. Người dân sẽ ăn mặc thật đẹp và đem thực phẩm tới chùa để dâng lễ. Sau khi lễ xong, các nhà sư sẽ ban lời chúc tốt lành đến mỗi người. Lễ sẽ được hạ xuống để mọi người cùng ăn chung với nhau, với những món đồ ăn như hoa quả và bánh Bay Ben (bánh gạo nếp). 

Ngày Quốc khánh Campuchia

Sau gần một thế kỷ dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, Campuchia giành được độc lập chính thức vào ngày 9 tháng 11 năm 1953 dưới cuộc đấu tranh của Vua Norodom Sihanouk. Từ đó, ngày 9/11 trở thành ngày lễ Quốc khánh vô cùng trọng đại của dân tộc Campuchia.

Lễ kỷ niệm chính được tổ chức tại Phnom Penh, bắt đầu bằng buổi lễ trang trọng tại Tượng đài Độc lập, nằm ở giao lộ hai con đường Norodom và Sihanouk. Ngọn lửa tưởng niệm được thắp lên, toàn bộ khu vực được trang trí rực rỡ bằng cờ và hoa. Những bó hoa tại Đài tưởng niệm Vua Norodom Sihanouk thể hiện sự biết ơn của nhân dân đối với người đã mang lại độc lập cho Campuchia. Tiếp theo đó là buổi dạ tiệc với những chiếc xe hoa đầy màu sắc và các ban nhạc diễu hành trước Cung điện Hoàng gia. 

Vào buổi tối, người dân Phnom Penh tập trung tại các công viên phía đông tượng đài để trò chuyện, ăn uống và tận hưởng thời gian với bạn bè và gia đình. Cung điện Hoàng gia và các tòa nhà khác được thắp sáng, đón chờ màn bắn pháo hoa quy mô lớn diễn ra ở khu vực ven sông trước Cung điện.

Bạn không nhất thiết phải đến Phnom Penh để tận hưởng ngày lễ Quốc khánh này. Bất kể bạn đang ở vùng nào của đất nước Campuchia, bạn sẽ thấy người ta ăn mừng bằng các cuộc diễu hành, pháo hoa, khiêu vũ và ca hát. Phần lớn người dân Campuchia được nghỉ làm trong ngày Quốc khánh và họ dành thời gian này để thư giãn, vì thế nếu đi du lịch Campuchia trong ngày này, bạn có thể thoải mái tận hưởng sự thân thiện và nồng nhiệt của người dân nơi đây.

Ăn gì ở Campuchia?

food

Campuchia có nền ẩm thực đa dạng với nhiều món ăn ngon và độc đáo. Dưới đây là một số món ăn phổ biến tại Campuchia:

Amok Trey

Amok Trey là món ăn chính trong Lễ hội té nước ở Campuchia, kỷ niệm sự thay đổi dòng chảy của sông Tonle Sap, đồng thời là cách để cảm ơn sông Mê Kông đã cung cấp cho Campuchia nguồn cá dồi dào và đất đai màu mỡ. 

Cá được ngâm trong nước sốt cà ri đậm đà và đặt trong những chiếc nồi hấp nhỏ làm từ lá chuối. Mùi thơm ngọt ngào của dừa, riềng, nghệ tràn ngập không khí, mang lại hương vị đặc trưng cho món ăn. Người ta thường rưới một ít nước cốt dừa lên trên và trang trí bằng ớt thái lát.

Bai Sach Chrouk

Món này gần giống như cơm tấm của Việt Nam, được làm từ thịt lợn nướng thái lát mỏng, ăn cùng cơm và dưa chua. Nước xốt là sự kết hợp của nước cốt dừa, tỏi, đường thốt nốt, nước tương, nước mắm, chanh và hạt tiêu Kampot, mang lại hương vị độc đáo cho miếng thịt và tạo cho món ăn một bản sắc riêng. Bai Sach Chrouk có thêm trứng rán sẽ là bữa ăn sáng tuyệt vời.

Nom Banh Chok

Đây là món ăn hoàn hảo để ăn trong thời tiết ấm áp: những sợi bún lên men được làm thủ công trong các cối xay bằng đá, sau đó được phủ nước sốt cá mát lạnh, ăn kèm với các loại rau sống theo mùa như hoa chuối, dưa chuột, thân cây súng, được trang trí bằng các loại thảo mộc thơm như bạc hà và húng quế.

Kuy Teav

Những sợi mì gạo mượt mà cùng với giá đỗ nằm dưới đáy bát, ẩn dưới lớp nước xốt caramel tỏi, các loại thịt, tôm, chanh và rau thơm tươi. Tất cả được bao bọc bởi nước dùng nước dùng sền sệt nóng hổi, tạo nên món Kuy Teav sảng khoái, bổ dưỡng và thơm ngon.

Lap Khmer

Lap khmer là món salad thịt bò ướp chanh cùng các loại rau thơm và rau sống đặc trưng của Campuchia. Hương vị chua đặc biệt được thể hiện qua bột me cô đặc hoặc nước cốt chanh. Ăn kèm với sả, hành tây, tỏi, nước mắm, húng quế, bạc hà, tiêu xanh, món ăn chua ngọt này còn tạo nên sức hấp dẫn về độ cay với rất nhiều ớt đỏ. Thịt thăn bò được ướp rồi nướng hoặc ăn tái. Với sự phong phú và phức tạp về hương vị, lap khmer được xem là sự giới thiệu hoàn hảo về ẩm thực Campuchia.

Samlor Machu

Samlor Machu nghĩa là canh chua trong tiếng Khmer, là một món ăn truyền thống của Campuchia được làm từ thịt, cá hoặc hải sản và rau nấu trong nước chua. Ở Campuchia, món canh chua này có vô số biến thể với nhiều loại rau khác nhau tùy thuộc vào khu vực và mùa, nhưng nhìn chung chúng vẫn là sự kết hợp giữa vị chua của me, vị ngọt của dứa, vị cay của ớt, vị mặn của cá và hương thơm có một không hai của lá chanh.

Kết luận 

Trên đây là những lưu ý mà bạn cần biết khi du lịch Campuchia tự túc. Đừng quên ghé thăm các chi nhánh của Liberty Currency Exchange nếu bạn chưa kịp đổi tiền trước khi đi du lịch nhé.